Xác thực sinh trắc học để chuyển khoản: Ra sao sau 1 tháng?

“Khó nhận diện khuôn mặt” và “Thiết bị không tương thích” là những vấn đề đang gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xác thực của người dùng

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học nhằm tăng cường an ninh và bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro gian lận.

Sau gần 1 tháng kể từ ngày quy định nói trên được chính thức áp dụng, để cập nhật quan điểm của người dùng đối với xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến, Cốc Cốc đã thực hiện khảo sát trực tuyến trên diện rộng với 3.386 đáp viên trên nền tảng.

 

Một người dùng đang xác thực sinh trắc học.

 

Một người dùng đang xác thực sinh trắc học.

Về mặt truyền thông, theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi người dùng sẽ biết đến thông tin này thông qua 2 điểm chạm khác nhau. Việc đề cập với tần suất liên tục về quy định sinh trắc học trên các phương tiện truyền thông đã giúp cho người dùng tiếp cận thông tin được dễ dàng hơn.

Khảo sát cũng cho biết, có 76% người dùng được khảo sát đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học, bao gồm cả thực hiện thành công và chưa thành công. Trong đó, cứ 2 người thì có 1 người đã cài đặt thành công sinh trắc học trên tất cả các ứng dụng ngân hàng đang sử dụng. Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai khu vực có tỉ lệ người dùng cài đặt thành công tất cả các ngân hàng mà họ đang sử dụng cao nhất.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, trải nghiệm xác thực ngày càng dễ dàng hơn với phần lớn người dùng. Cụ thể, có tới 45% người dùng đánh giá quá trình thu thập là dễ dàng/rất dễ dàng, tăng thêm 7% so với khảo sát trước đó. Đồng thời, tỉ lệ người dùng cảm thấy khó khăn giảm từ 31% xuống còn 22%. Người dùng dưới 45 tuổi cho biết, họ đang có tốc độ thích ứng nhanh hơn với quy định mới.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn trong quá trình thực hiện. “Khó nhận diện khuôn mặt” và “thiết bị không tương thích” là những vấn đề đang gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xác thực của người dùng. “Không đọc được NFC”, “khó chụp CCCD/đọc mã QR” và “bắt buộc cập nhật thông tin CCCD ở ngân hàng” là những vấn đề có vẻ đã dần được khắc phục khi có tỉ lệ giảm hơn so với thời điểm trước đó.

Phần lớn người dùng đồng ý rằng, xác thực sinh trắc học giúp họ an toàn hơn khi giao dịch trực tuyến với tỉ lệ 72%, tăng 4% so với thời điểm khảo sát trước đó. Trong đó, nhóm người dùng 35+ có sự tin tưởng đặc biệt khi có 78% đáp viên đồng ý, cao hơn 11% so với độ tuổi dưới 35.

Tuy vậy, vẫn có 41% đáp viên cho biết, họ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi thực hiện sinh trắc học, tỉ lệ này tăng 5% so với thời điểm trước đó. Tỉ lệ người dùng lo ngại ở khu vực miền Trung tăng lên đáng kể với 11%, dẫn tới việc đây là khu vực có tỉ lệ người dùng lo ngại cao nhất. Trong khi đó, miền Bắc vẫn là khu vực có tỉ lệ người dùng lo ngại ít nhất trong 3 miền.

Khi được hỏi về những lo ngại gặp phải rủi ro trong quá trình thực hiện sinh trắc học, người dùng tương đối lo lắng về những rủi ro có thể xảy đến khi cung cấp thông tin cá nhân cho ngân hàng với tỉ lệ xấp xỉ từ 30% – 50% đối với mỗi vấn ngại. Trong đó, vấn đề liên quan đến chiếm đoạt/mất tiền trong tài khoản được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, khi được hỏi ý kiến về quy định “dừng toàn bộ các giao dịch nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học từ ngày 1/1/2025”, 64% người dùng cho rằng quyết định trên là cần thiết/rất cần thiết, chỉ 10% người dùng đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết.

Có thể thấy, với khảo sát trên diện rộng tại thời điểm 1 tháng sau khi áp dụng quy định, người dùng đã dần quen và thích nghi hơn với biện pháp bảo mật mới. Tuy vậy, trong bối cảnh các vụ lừa đảo trực tuyến đang diễn ra ngày một tinh vi và phức tạp hơn, người dùng vẫn còn đó những quan ngại, lo lắng trước những rủi ro về an toàn thông tin có thể gặp phải.

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/xac-thuc-sinh-trac-hoc-de-chuyen-khoan-ra-sao-sau-1-thang-204240708080018…

Trả lời

Zalo: 0989 322 157
Hotline: 0989 322 157