Vùng nước sâu thuộc Thái Bình Dương đã lộ diện 4 loài mới thuộc dòng họ được giới khoa học nghi ngờ là “con lai” của sinh vật ngoài hành tinh.
Bốn loài mới là kết quả của 2 chuyến thám hiểm biển sâu được thực hiện bởi các nhà sinh học biển trên tàu R/V Falkor của Viện Hải dương Schmidt (Mỹ) khi họ kiểm tra các ngọn núi ngầm ở ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Costa Rica.
Theo Sci-News, trong chuyến thám hiểm đầu tiên vào tháng 6-2023, TS Jorge Cortés và các cộng sự đã phát hiện ở vùng sâu thẳm dưới đáy đại dương là 2 “vườn ươm bạch tuộc”.
Các vườn ươm này được liên kết với các suối thủy nhiệt, là nơi dòng nước ấm mang khoáng chất được giải phóng từ các lỗ thông thủy nhiệt, mang lại hơi ấm và các điều kiện nuôi dưỡng sự sống cho khu vực tưởng chứng lạnh lẽo và chết chóc dưới đáy biển.
Các suối thủy nhiệt tại khu vực Thái Bình Dương gần Costa Rica càng đặc biệt vì liên quan đến một hệ thống núi lửa cổ đại.
Bạch tuộc Dorado, một trong các loài mới vừa được xác định – Ảnh: Viện Hải dương Schmidt
Sáu tháng sau, họ quay trở lại và xác nhận hoạt động sinh sản sôi động quanh năm của các loài bạch tuộc.
Đặc biệt hơn, nhiều loài mới, chưa từng được xác định ở bất kỳ đâu trên thế giới, đã lộ diện.
Một trong những loài mới thuộc chi bạch tuộc Muusoctopus và được đặt tên là Dorado liên quan đến địa điểm mỏm đá mang tên Đồi El Dorado mà nó đã xuất hiện.
Đó là loài thú vị nhất trong cuộc tìm kiếm vì thể hiện các đặc điểm tiến hóa đặc biệt để ấp trứng trong các suối thủy nhiệt dưới đáy biển.
Loài thứ hai liên quan nhưng khác biệt với bạch tuộc ngọc trai ở vườn ươm bạch tuộc Davidson Seamount ngoài khơi bang California – Mỹ.
Ngoài ra còn có hai loài mới khác vẫn đang được các nhà khoa học kiểm tra.
Các loài mới này làm phong phú thêm hồ sơ về dòng họ bạch tuộc vốn đã đầy bí ẩn, thông minh một cách đáng ngạc nhiên và có nhiều khả năng bất ngờ.
Chúng được giới khoa học nghi là con lai của sinh vật ngoài hành tinh, thông qua một nghiên cứu chấn động được công bố năm 2018 bởi 33 nhà sinh vật học danh tiếng khắp thế giới.
Công bố trên tạp chí khoa học Progress in Biophysics and Molecular Biology, 33 nhà khoa học nói trên lý giải nguồn gốc bạch tuộc bằng thuyết panspermia, tức các vật liệu sinh học ngoài vũ trụ được đưa đến Trái Đất thông qua các thiên thể va chạm cổ đại.
Không chỉ gieo mầm sự sống ban đầu, chúng cũng có thể mang các vật liệu ngoại lai, thậm chí là sinh vật ngoại lai bổ sung vào hệ sinh vật hiện hữu và làm phong phú thêm địa cầu.
Bạch tuộc có thể là kết quả của một cuộc giao phối liên hành tinh như thế bởi chúng xuất hiện rất đột ngột trong cây gia phả, có trí thông minh và nhiều đặc điểm khác “cao cấp” hơn nhiều các động vật chân đầu khác trên thế giới.
Nguồn: https://nld.com.vn/con-lai-cua-sinh-vat-ngoai-trai-dat-xuat-hien-4-loai-moi-196240205151731822.h…